Kính thưa quý thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến!
Hà Nội từ lâu đã được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến là Thủ đô ngàn năm văn hiến của đất nước Việt Nam anh hùng, mến khách, một thành phố vì hòa bình. Nhắc đến Hà Nội, người ta không chỉ nhớ tới Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ba sáu phố phường, Hồ Gươm thơ mộng, Hồ Tây mênh mông nước biếc, …mà còn phải kể đến nghệ thuật ẩm thực tinh tế, cầu kì của người Hà Nội . Trải qua thời gian, những món ăn của vùng đất Kinh Kì không những không bị mất đi mà ngày càng khẳng định được vị thế quan trọng của mình trong nền văn hóa ẩm thực của dân tộc Việt Nam. Nhân dịp kỉ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2021), thư viện trường THCS Chu Văn An trân trọng giới thiệu tới quý thầy cô và các bạn đọc nhỏ tuổi cuốn sách “Miếng ngon Hà Nội” của tác giả Vũ Bằng.
Vũ Bằng (1913-1984) sinh tại Hà Nội, là nhà văn và nhà báo đã sáng tác từ trước Cách mạng tháng Tám 1945, có sở trường về truyện ngắn, tùy bút, bút kí. Sau năm 1954, ông vào Sài Gòn vừa viết văn, làm báo, vừa hoạt động cách mạng. Năm 2007, Vũ Bằng được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như: Lọ văn, Một mình trong đêm tối, Miếng ngon Hà Nội, Thương nhớ mười hai, …
Cuốn sách “Miếng ngon Hà Nội” do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành vào năm 2014, sách dày 182 trang, được in trên khổ giấy 14x22,5cm. Đây là tập bút kí nổi tiếng viết về ẩm thực Hà Nội mang tính văn chương lịch lãm, chứa đựng trong đó tình yêu Hà Nội tha thiết, khôn nguôi.
Xuyên suốt cuốn sách, tác giả giới thiệu 15 món ngon nức tiếng tạo nên nét ẩm thực độc đáo xứ Kinh Kỳ. Có thể kể đến như phở bò, phở gà, các món bánh, cốm Vòng, rươi, chả cá…Mỗi món ăn được miêu tả kĩ càng, từ nguyên liệu, hương vị, cách bày trí đến cách thưởng thức của người dân địa phương.
Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến phở và cốm Vòng, hai chủ để được Vũ Bằng miêu tả rất kỹ và sâu. Theo tác giả, phở chính là món quà căn bản, bởi vì “người ta có thể nói rằng người Việt Nam có thể không ăn bánh bao, bánh tẻ, có thể không ăn vằn thắn hay mì, có thể không ăn xôi lúa, nhưng chắc chắn là ai cũng đã từng ăn phở”. Món phở bò, dưới ngòi bút miêu tả của Vũ Bằng gộp đủ ngũ vị hương, cay cay, ngòn ngọt khó cưỡng lại:“Nước dùng nóng lắm đấy, nóng bỏng rẫy lên, nhưng ăn phở có như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của hạt tiêu, cay cái cay của ớt ; thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm... rồi thì hòa hợp tất cả những vị đó lại, nước dùng ngọt cứ lừ đi, ngọt một cách hiền lành, êm dịu, ngọt một cách thành thực, thiên nhiên, không có chất gì là hóa học...”.
Người ta nói rằng Hà Nội đẹp nhất là mùa thu, mà cứ mỗi độ thu, khi những làn gió heo may se lạnh ùa về , hương hoa sữa nồng nàn len lỏi qua từng góc phố thì cũng là lúc những gánh cốm đầu mùa thấp thoáng trên phố phường Hà Nội. Cốm Hà Nội là một thứ quà tuy mộc mạc nhưng rất trang nhã, đặc biệt là cốm làng Vòng. Về cốm Vòng, Vũ Bằng viết: “Cốm Vòng là thứ quà đặc biệt nhất trong mọi thứ quà Hà Nội - đặc biệt vì mỗi khi thấy gió vàng hiu hắt trở về thì lại nhớ đến cốm mà đặc biệt hơn nữa khắp các nẻo đường đất nước chỉ có Hà Nội có cốm thôi.”. Nguyên liệu làm cốm là hạt non của “thóc nếp hoa vàng”. Sau khi đi ngắt lúa về, người làng Vòng phải bắt tay vào việc chế hóa hạt thóc thành cốm nội trong mười bốn tiếng. Lúa ngắt ở đồng về, sau khi đem tuốt lấy hạt, người ta cho lên nồi rang vừa chín tới. Thóc rang còn nóng phải mang giã ngay cho mềm, không được để nguội. Sau khi giã xong, người ta đem thóc đi sàng và giai đoạn cuối cùng để có được hạt cốm ngon là “hồ”. Vũ bằng viết “Người ta lấy mạ giã ra, hòa với nước, làm thành một thứ phẩm màu xanh lá cây rồi hồ cốm cho thật đều tay: cốm đương mộc mạc, nổi hẳn lên và duyên dáng như cô gái dậy thì bỗng tự nhiên đẹp trội lên trong một buổi sáng mùa xuân tươi tốt”. Dưới ngòi bút của Vũ Bằng, cốm ngon từ cách chế biến, từ hương vị, từ cái lá sen gói gọn, ngon đến cách ăn, cách thưởng thức sao cho trọn vẹn nhất. Cốm đã đạt đến tuyệt đỉnh so với một thứ quà dân dã, không gì có thể thay thế được trong lòng những người con yêu Hà Nội.
Nghệ thuật ẩm thực kết tinh cùng với những nét đẹp phồn hoa, mĩ lệ đã tạo nên cái “hồn ” cho mảnh đất Thủ đô yêu dấu. Đọc “Miếng ngon Hà Nội”, ta không chỉ được hòa mình vào trong hương vị của những miếng ngon, miếng lạ mà trên hết ta còn được học cách thưởng thức nó. Vũ Bằng viết về món ăn, nhưng ta lại cảm thấy xúc động về những con người nơi ấy – thấm đẫm cái tình, cái ấm cúng của mảnh đất này. Nét đẹp ẩm thực ở đây mang mọi người đến thật gần bên nhau, mỗi món ăn – hay cũng chính là mỗi ký ức đẹp – gắn liền với con người Hà Nội xưa cũ.
Cuốn sách “Miếng ngon Hà Nội” đã đánh thức tình yêu Hà Nội tha thiết trong lòng bạn đọc nhất là những người con thủ đô xa quê. Tác phẩm như lời nhắc nhở chúng ta cần chung tay giữ gìn, bảo vệ những nét đẹp truyền thống trong văn hóa ẩm thực của mảnh đất Kinh Kì.
Các bạn học sinh thân mến. Một nhà văn có nói: “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người”. Sách không chỉ cung cấp cho chúng ta những tri thức mới mà còn giữ lại cho con người suy nghĩ, tâm tư tình cảm, giữ lại những ký ức, những khoảnh khắc tươi đẹp. Các bạn hãy tìm đọc cuốn sách này tại thư viện của trường THCS Chu Văn An để cùng cảm nhận, đắm chìm trong nền văn hóa ẩm thực độc đáo mà tinh tế của mảnh đất Hà Thành nhé!