“Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Quả thật, Hà Nội đẹp và bình dị, đáng yêu và mơ màng, giống như một thứ tình yêu không dễ gọi tên, chỉ biết ngắm nhìn, trân trọng và nâng niu. Cuốn sách “Hà Nội 36 phố phường” chính là tác phẩm có thể giúp ta hiểu hơn về một Hà Nội như thế, hiểu thêm về những nét đẹp của thủ đô yêu dấu.
“Hà Nội 36 phố phường” là tập bút kí nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam, được tập hợp lại từ những bài viết in trên báo sau khi ông qua đời, như để nói hộ cho mọi trái tim tin yêu luôn hướng về thủ đô, rằng
“Hãy yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội”.
“
Hà Nội 36 phố phường” chủ yếu viết về chuyện phố, chuyện phường, đời sống dân sinh, đặc biệt là đi sâu vào những thức quà chỉ riêng nơi đây mới có. Hai mươi mốt bài kí nhỏ như hai mươi mốt bức họa đầy hoài niệm, dựng lên hình bóng Hà Nội xưa. Ta sẽ bắt gặp nhiều cảnh đời qua những mẩu chuyện ngắn hết sức xúc động. Họ là những người phụ nữ tần tảo, sống một cuộc đời lầm lũi, vất vả với gánh nặng cơm áo gạo tiền. Bên cạnh đó, thấp thoáng giữa các số phận éo le, ẩn hiện tình yêu đôi lứa trong sáng và thuần khiết. Tất cả đều là những câu chuyện về những con người Hà Nội, nép mình dưới những khu phố khác nhau, với những mảnh ghép cuộc đời khác nhau, hiện lên đơn sơ bằng ngòi bút chân thực của tác giả. Ông đã nhắc đến
“nghệ thuật biển hàng” đang dần biến mất vì sự Tây hóa, học đòi của các chủ quán khiến văn hóa tiếng việt của dân tộc bị lu mờ. Với “Hà Nội 36 phố phường”, tác giả cũng bày tỏ niềm thương cảm tới những người bán rong – những thân phận bé nhỏ, lam lũ kiếm sống, mưu sinh trong đêm. Tôi chợt nhận ra rằng đằng sau một Hà Nội phồn hoa vẫn còn đó những mảnh đời nhọc nhằn cơ cực đến thế. Khi tất cả chìm trong màn đêm, những tiếng rao như mở ra một thế giới mới của Hà Nội, một thế giới không ồn ào, không vội vã mà là một Hà Nội tĩnh lặng chứa bao nỗi lo toan.
Nhưng ấn tượng hơn cả trong tác phẩm của Thạch Lam có lẽ là những trang viết về văn hoá ẩm thực của người dân Hà thành. Qua những hàng chữ nhẹ nhàng thủ thỉ, các thức quà Hà Nội xưa hiện lên khiến bất cứ ai cũng phải xuýt xoa, phải gật gù, phải thèm thuồng, phải say đắm. Đó là
“Bún sườn và canh bún”, là
“Bánh đậu”, là
“Bánh khảo, kẹo lạc”… mỗi thức quà đều được tác giả đặc tả khéo léo nhằm mang tới một hình dung rõ nét nhất về phong vị của người Tràng An. Hơn thế, ông còn đẩy những món ăn ấy lên một tầm cao hơn khi khẳng định qua bài kí: "Quà ... tức là người". Đối với Thạch Lam, ăn quà không đơn thuần là nếm những sản vật trong trời đất mà là sự cảm nhận những tinh hoa, là thần thái, cũng như bộc lộ nét văn hóa trong cách thưởng thức khi
"Ăn quà cũng là một nghệ thuật”.
Chỉ qua một tập tùy bút nhỏ, độc giả đã có thể thấy tâm hồn một Thạch Lam như đồng điệu với Thăng Long cổ kính, ngàn năm văn hiến, tinh tế và thanh lịch đến nhã nhặn, thanh tao. “Hà Nội 36 phố phường” đã thể hiện tấm lòng trân trọng của Thạch Lam đối với văn hoá và quá khứ của Hà Nội.
Các bạn hãy tìm đọc cuốn sách này tại thư viện trường THCS Chu Văn An. Cuốn sách chỉ dành riêng cho vẻ đẹp Hà Nội, để tự mình hít hà đầy lồng ngực hương thơm một góc nhỏ xưa cũ, thả hồn vào dòng lịch sử mênh mang của thủ đô yêu dấu và cảm nhận thực sự những nét đẹp đó trong mỗi trái tim, để nhớ mãi rằng
“Hà Nội xinh xắn lắm, đừng cứ mơ về những nơi xa xôi mà chẳng mơ về Hà Nội”.