Kính thưa quý thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến!
Trong suốt chặng đường gần 80 năm chiến đấu, rèn luyện và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, từ trong chiến tranh, những mất mát, đau thương và sự hy sinh là biết bao câu chuyện huyền thoại về người lính đã trở thành bất tử.
Hình tượng anh bộ đội cụ Hồ đã trở nên thật gần gũi, thân thương, là một biểu tượng đẹp, thiêng liêng, đáng tự hào của người Việt Nam. Những hi sinh, gian khổ mà họ trải qua trong chiến tranh; ý chí, nghị lực, sự kiên cường, dũng cảm chiến thắng kẻ thù xâm lược của bộ đội ta là biểu tượng bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Nhân dịp kỉ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, thư viện trường THCS Chu Văn An trân trọng giới thiệu cuốn sách “Đoàn binh Tây Tiến” của nhà thơ, nhà văn Quang Dũng. Sách do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành vào năm 2019 với độ dày 124 trang được in trên khổ giấy 14,5x20,5cm.
Quang Dũng là một nghệ sĩ tài hoa, một người chiến sĩ quả cảm. Ngoài thơ, ông còn sáng tác văn xuôi, hội họa và âm nhạc... Nhưng tên tuổi của Quang Dũng được nhiều người biết đến qua bài thơ “Tây Tiến”, sáng tác vào mùa xuân năm 1948. Với sự kết hợp tài tình giữa bút pháp hiện thực và cảm hứng lãng mạn, bài thơ đã trở thành khúc ca bi tráng phản ánh chân thực cuộc sống, chiến đấu gian khổ, sự hy sinh anh dũng và vẻ đẹp hào hùng của người chiến sĩ Tây Tiến. Nhưng có lẽ, những trải nghiệm nhuốm màu khói lửa chiến tranh, ngùn ngụt ý chí chiến đấu, ăm ắp, mênh mang tình đồng chí, đồng đội trong những tháng ngày ông tham gia chiến đấu với vai trò là một thành viên của binh đoàn Tây Tiến thôi thúc ông hoàn thành tập hồi ký “Đoàn binh Tây Tiến” (1952) chỉ mấy năm sau khi bài thơ “Tây Tiến” ra đời.
“Đoàn binh Tây Tiến” thuật lại một cách sinh động, chi tiết năm tháng chiến đấu oanh liệt, hào hùng của những con người “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Lần giở từng trang hồi ký, men theo dòng hồi ức, tác giả mong muốn gợi lại một câu chuyện cũ - khi mà đoàn võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt được thành lập, hạt nhân là một số chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô cũng là lúc tiếng súng kháng chiến toàn quốc mới bắt đầu nổ, công tác chính trị của bộ đội hồi đó nặng ở phần tuyên truyền cho quần chúng tham gia kháng chiến, hiểu mục đích kháng chiến. Hơn hết, “Đoàn binh Tây Tiến” cho ta biết thêm về sự tồn tại, tham gia tích cực của đoàn nhạc binh trong Đoàn Võ trang ngày ấy; đồng thời, khẳng định thêm mối quan hệ, truyền thống gắn bó giữa bộ đội ta và bộ đội Lào, qua một trung đội Pa thét Lào được cử tham gia vào Đoàn Võ trang. Tây Tiến là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, lập những chiến công hiển hách góp phần vào việc đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược khỏi ba nước Đông Dương. Họ chính là “đại diện cho danh dự người quân nhân trước con mắt nhận xét của dân chúng”. Và nhiệm vụ của đoàn binh ấy là “đi tới những miền chưa có bóng cờ của quân đội Việt Nam, gây cơ sở, gây cảm tình với Nhân dân ở những nơi mà quân đội của khu chúng ta sắp phải hoạt động”.
Những trang hồi ký sinh động, tỉ mỉ và chứa chan tình cảm dường như không chỉ là kỷ niệm, mà còn là mảnh hồn của những chàng thanh niên Hà Thành phải “xếp bút nghiên” nhập ngũ. Núi rừng Tây Bắc như một xứ sở kì bí, khiến cho các chàng lính trẻ không khỏi tò mò, háo hức. Bản Đậu, làng Chiềng Hạ trước kia còn xa lạ, nay đã in dấu chân của họ. Đi đến đâu, người lính bộ đội cụ Hồ cũng được dân bản yêu quý. Tình quân dân cá nước được xây dựng từ những điều giản đơn gần gũi hằng ngày như kể chuyện cho nhau nghe, hòa mình vào các lễ hội của dân bản… không chỉ là những mẩu chuyện trên đường hành quân, chuyện lính tráng, trận mạc, Quang Dũng còn khiến người đọc có thêm những hình ảnh khác về người lính. Đó là ẩn sau bộ quân phục xanh ấy là những trái tim nghệ sĩ đầy hào hoa, lãng tử. Giọng văn giàu chất thơ và họa, nhà thơ Quang Dũng đã tái hiện lại một đoàn quân Tây Tiến với những chàng trai không ngần ngại hiến dâng tuổi thanh xuân của mình “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.
Cuốn hồi ký “Đoàn binh Tây Tiến” vỏn vẹn gần 130 trang, nhưng đây thật sự là một tư liệu quý bởi sách không đơn thuần là tác phẩm văn học viết về Binh đoàn Tây Tiến, mà còn như một nhân chứng lịch sử lưu giữ những khoảnh khắc hào hùng của dân tộc. Sau bảy mươi năm, tập hồi ký của nhà thơ - chiến sĩ Quang Dũng về binh đoàn Tây Tiến năm xưa giờ đã trở thành những tư liệu văn nghệ và lịch sử vô giá, đóng góp vào di sản văn nghệ kháng chiến nước nhà.
Kính thưa quý thầy cô giáo và các em học sinh thân mến! Cầm trên tay cuốn sách “Đoàn binh Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng, chúng em - thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình không khỏi xúc động, cảm phục và tự hào về những gian truân, chông gai, thử thách mà thế hệ cha, ông ta đã vượt qua. Chúng em xin bày tỏ lòng kính trọng và tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, thanh niên xung phong đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, hiến trọn đời mình cho lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc, cho sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng em xin hứa sẽ ra sức rèn luyện, học tập để tiếp nối những truyền thống đáng tự hào của thế hệ cha anh.
Cuốn sách “Đoàn binh Tây Tiến” hiện đang có trong tủ sách Văn học tại thư viện nhà trường. Kính mời các thầy cô giáo và các bạn tìm đọc.