Kính thưa quý thầy cô và các bạn học sinh thân mến!
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của dân tộc Việt Nam, người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân. Với những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; bằng cuộc sống thanh cao, giản dị, trong sáng và đạo đức cách mạng mẫu mực của một người cộng sản, Người đã nêu tấm gương sáng cho toàn thể cán bộ, nhân dân và để lại cho chúng ta một di sản quý báu về tư tưởng và đạo đức của một người cách mạng trong thời đại mới.
Nhân dịp kỉ niệm 132 năm Ngày sinh nhật Bác, thư viện trường THCS Chu Văn An trân trọng giới thiệu cuốn sách “Theo dấu chân Người đi khắp năm châu” .
Cuốn sách “Theo dấu chân Người đi khắp năm châu” do nhà xuất bản Dân Trí ấn hành vào năm 2020 là tập hợp các bài nói, bài viết được các tác giả Phan Thị Ánh Tuyết và Đặng Thị Mai Anh sưu tầm và tuyển chọn. Cuốn sách dày 204 trang được in trên khổ giấy 13x19cm. Bìa cuốn sách được in bằng bìa cứng với màu tím chủ đạo, nổi bật ở giữa là bức chân dung Bác với chiếc áo kaki trắng giản dị. Nội dung cuốn sách được chia làm 2 phần.
Phần 1. Những chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các nước. Trong phần này, tác giả kể về những chuyến thăm ngoại giao của Bác đến khắp các quốc gia trên thế giới có thể kể đến như Pháp, Ấn Độ, Liên Xô, Trung Quốc... Các chuyến đi của Người đã cho chúng ta những bài học vô giá về phong cách làm việc hiệu quả của Bác đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Một trong những chuyến đi được các tác giả dành nhiều thời lượng nhất trong cuốn sách đó là chuyến thăm Pháp năm 1946 của Bác. Đây có thể coi là chuyến ngoại giao đặc biệt của Bác không chỉ bởi đó là chuyến thăm và làm việc ở nước ngoài dài ngày nhất của Người (từ 31/5 đến 20/10/1946) mà còn bởi nó được diễn ra trong bối cảnh tình hình đất nước ta đang gặp muôn vàn khó khăn, phức tạp sau khi cách mạng Tháng Tám thành công; Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là nguyên thủ quốc gia Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên đường thăm Cộng hòa Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp. Chuyến thăm của Người là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của Chính phủ Việt Nam trong những năm 1945-1946 để cứu vãn nền hòa bình trong khi thực dân Pháp đang quyết tâm xâm lược Việt Nam một lần nữa. Trong suốt những ngày ở Pháp, chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động, khẩn trương triển khai nhiều hoạt động, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhằm tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết quốc tế. Những hoạt động ngoại giao của Người đã làm cho nhiều người trong Chính phủ Pháp, nhân dân Pháp và dư luận quốc tế chú ý và hiểu rõ về đât nước, con người Việt Nam, về khát vọng độc lập, hòa bình của nhân dân Việt Nam, làm cho số đông người Pháp trở thành bạn hữu của nhân dân Việt Nam, hết sức tán thành Việt Nam độc lập.
Phần 2. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tâm trí của bạn bè quốc tế là tập hợp các bài nói, bài viết về hình tượng của Bác trong mắt bạn bè khắp năm châu. Ở đó, chúng ta có thể cảm nhận được sự kính trọng, cảm phục, ngưỡng mộ và tình cảm sâu sắc mà nhân dân trên khắp thế giới dành cho Bác.
Trên bài dăng báo Mainichi Simbun Nhật Bản số ra ngày 10/9/1969 có viết: “Đồng chí Hồ Chí Minh là một người đã cảm hóa tất cả mọi người Việt Nam từ già đến trẻ. Người là một con người thẳng thắn, khiêm tốn, giản dị. Hình ảnh vị anh hùng không nghĩ tới mình, trước sau như một của Người từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Việt Minh trước đây đến cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Cộng (Mặt trận Dân tộc giải phóng) ngày nay đã cổ vũ và trở thành tấm gương cho hàng chục vạn thanh niên Việt Nam thà chết không chịu làm nô lệ”.
Với tình cảm và sự ngưỡng mộ của mình dành cho Bác, một nhà báo, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng Ân Độ từng viết “Hồ Chí Minh còn là biểu tượng của sự thanh bạch và giản dị. Trở thành vị Chủ tịch của nước Việt Nam, Người vẫn giữ lối sống thanh bạch của mình. Mặc dù có cả một Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, nới ở chính thức của Chủ tịch, Người vẫn chọn một ngôi nhà nhỏ trong khu nhà của Phủ Chủ tịch ở cho đến cuối đời. Người chỉ sử dụng Phủ Chủ tịch trong các cuộc gặp chính thức hoặc dùng cơm với các quan chức cao cấp ngoại quốc”.
Với những câu chuyện chân thực và nguồn tư liệu phong phú qua góc nhìn khách quan của các tác giả trong nước cũng như nước ngoài cuốn sách đã giúp bạn đọc hiểu hơn về con người Bác, một tấm gương sáng mẫu mực về đạo đức cách mạng của người cộng sản. Hy vọng qua cuốn sách, mỗi chúng ta sẽ càng thêm kính yêu và nguyện ra sức học tập theo tấm gương của người để xây dựng đấtnước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như di nguyện của Bác Hồ.
Hiện nay, cuốn sách đang có trong tủ sách Bác Hồ tại thư viện nhà trường, Kính mời các thầy, cô giáo cùng các bạn hãy đến thư viện tìm đọc.