Ngôn ngữ tích cực có một sức mạnh vô hình, nó có thể truyền cảm hứng, động lực và sức mạnh cho mỗi chúng ta. Chỉ cần thay đổi một từ ngữ trong cách nói chuyện, nó có thể có ý nghĩa thay đổi cả số phận của một con người. Chính vì vậy, việc sử dụng ngôn ngữ tích cực đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhận thức, tư duy của mỗi người, đặc biệt là các em học sinh. Sự thay đổi từ ngôn ngữ thụ động sang ngôn ngữ chủ động là cả một quá trình, nó tác động đến hành vi và cuối cùng là kết quả. “Không ai có thể thuyết phục người khác thay đổi. Mỗi cánh cửa của sự thay đổi chỉ có thể mở được từ bên trong bản thân mỗi người.” (Marilyn Fercuson)
Nắm được vai trò của ngôn ngữ chủ động, với mong muốn truyền cảm hứng cho các em học sinh chuyển đổi tư duy theo hướng tích cực, nâng cao tinh thần tích cực, sáng tạo, hướng tới tự thay đổi “từ trong ra ngoài”; chiều 14/12/2021, Ban kĩ năng sống trường THCS Chu Văn An kết hợp với công ty FCE Việt Nam đã tổ chức tập huấn và phát động chiến dịch “Ngôn ngữ chủ động” cho cán bộ giáo viên nhân viên nhà trường. Sau buổi tập huấn, các giáo viên nhân viên nhà trường đã đồng tình, quyết tâm hình thành thói quen sử dụng “ngôn ngữ chủ động” trong giao tiếp hằng ngày, với học sinh, đồng nghiệp, gia đình và những người xung quanh.
Trong buổi tập huấn, giáo viên, nhân viên nhà trường đã được thực hành, chia sẻ trao đổi về 4 cách ứng xử hiệu quả thuộc thói quen số 1: Sống chủ động
- Tạm dừng và phản ứng;
- Tập trung vào vòng tròn ảnh hưởng;
- Sử dụng ngôn ngữ chủ động;
- Trở thành người tạo ra sự thay đổi.
Qua những chia sẻ chân thành về các câu chuyện thành công khi áp dụng 1 trong 4 cách ứng xử hiệu quả, mỗi thầy cô đều có những cách áp dụng ngôn ngữ chủ động vào các hoàn cảnh khác nhau, đem lại những hiệu quả vượt trội. Bên cạnh đó, các giáo viên nhân viên nhà trường đã được xem video truyền cảm hứng, tham gia xử lí, giải quyết các tình huống cụ thể áp dụng bộ ứng xử tích cực của thói quen này. Qua đó thấy được lợi ích, tầm quan trọng, sức mạnh của ngôn ngữ tích cực - chủ động trong cuộc sống, công việc.
xử lý tình huống Các thầy cô giáo tham gia
Cách ứng xử tích cực với học sinh
Chiến dịch “Ngôn ngữ chủ động” nhằm mục đích tạo cơ hội thực hành hành xử hiệu quả của thói quen số 1: Sống chủ động, tạo môi trường truyền cảm hứng, tích cực, hiệu quả cho giáo viên và học sinh, kết nối nhà trường với phụ huynh; tạo cơ hội áp dụng các kĩ năng hoạch định kế hoạch cho đội Hoa tiêu, làm tiền đề cho các sự kiện tiếp theo. Trong buổi tập huấn, các giáo viên nhân viên nhà trường đã xác định được chỉ tiêu của chiến dịch:
- 100 % HS – GV – BGH tham gia thực hành hiệu quả “Ngôn ngữ chủ động” trong hoạt động dạy và học, trong nhà trường, gia đình của mình.
- 80 % phụ huynh được truyền thông và nhận biết chiến dịch, đồng hành cùng chiến dịch tại nhà trường.
Buổi tập huấn về chiến dịch “Ngôn ngữ chủ động” đã góp phần bồi dưỡng, nâng cao về nhận thức cho cán bộ giáo viên nhân viên nhà trường. Nhà giáo dục giỏi không đơn thuần là người trao tri thức mà còn là người tạo động lực, tạo cảm hứng cho người được giáo dục thay đổi từng ngày để hoàn thiện bản thân hơn. Thông qua sự chuyển đổi “từ trong ra ngoài” của bản thân người giáo viên chúng tôi hướng tới mục tiêu tác động đến sự phát triển toàn diện của học sinh và lan tỏa ngôn ngữ chủ động, tích cực tới phụ huynh. Tập thể giáo viên Trường THCS Chu Văn An hiểu rõ rõ tầm quan trọng của giáo dục, vai trò giáo dục trong nhà trường. Nhà trường mong muốn đào tạo học sinh trở thành những người không chỉ tài giỏi về kiến thức mà còn thành thạo các kĩ năng để các em học sinh – những nhà lãnh đạo tương lai vững bước, vươn xa trong tương lai.