Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là môn học bắt buộc, hoàn toàn mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là một môn học có định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học khác nhau để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi. Từ đó, các em chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai.
Để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018, trường THCS CLC Chu Văn An – Long Biên đã tổ chức tiết chuyên đề cấp trường môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo hướng đổi mới, đảm bảo những yêu cầu của chương trình mới. Với cách tiếp cận dạy học tập trung vào việc phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, các em được rèn luyện nhiều năng lực như: năng lực ngôn ngữ, tự chủ và tự học, giao tiếp, hợp tác,...Tiết học khơi dậy hứng thú cho học sinh bởi sự sáng tạo về hình thức tổ chức các hoạt động,.
Phần chính của tiết học là phần tranh biện. Với hoạt động này, các em có cơ hội khám phá khả năng tranh biện của bản thân để thuyết phục được người khác trong tình huống cụ thể. Chủ đề được lựa chọn liên quan đến việc bàn luận về tác động của mạng xã hội đối với đời sống con người. Học sinh được chia thành hai nhóm, nhóm thứ nhất thảo luận về những lợi ích còn nhóm thứ hai tập trung vào những hạn chế. Dưới sự dẫn dắt của hai đội trưởng thông minh và tâm huyết là bạn Khánh Linh và Minh Dũng, các nhóm lần lượt đưa ra ý kiến của mình một cách rất thuyết phục, hấp dẫn. Cuối cùng, cô giáo Trần Thùy là người tổng kết vấn đề khi đưa ra nhận định rằng mạng xã hội giống như một con dao hai lưỡi, và nó xấu hay tốt phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dùng, chúng ta phải tỉnh táo phân chia thời gian sử dụng một cách hợp lý.
Với hoạt động tiếp theo, học sinh được rèn luyện năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực thích ứng, phẩm chất trách nhiệm, tự chủ và áp dụng kĩ năng đã được hình thành vào giải quyết tình huống trong thực tế: đưa ra kế hoạch chào mừng ngày 20/11 và kế hoạch ăn mừng sau khi kết thúc kì thi giữa kì I. Các bạn học sinh hoạt động theo nhóm, lên ý tưởng và thuyết phục cô giáo cũng như các thành viên nhóm khác đồng thuận với cách giải quyết, thực hiện kế hoạch của nhóm mình. Không khí lớp học trở nên sôi nổi và hào hứng với các ý tưởng thú vị, độc đáo và mới lạ cùng phần thuyết phục hết sức ấn tượng.
Tiết chuyên đề kết thúc nhưng vẫn để lại những dư âm sâu sắc. Trong suốt tiết học, học sinh đã được rèn luyện tranh biện về một số vấn đề gần gũi với bản thân, rèn luyện được sự tự tin và khả năng đưa ra ý kiến để bảo vệ quan điểm của mình. Chắc hẳn các em học sinh đã hiểu hơn về vai trò quan trọng của tranh biện và thương thuyết trong cuộc sống hiện đại và sẽ có ý thức rèn luyện khả năng tranh biện và thương thuyết để giải quyết vấn đề thực tiễn. Sự thành công của chuyên đề như đánh dấu một khởi đầu tốt đẹp cho nhà trường trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng những yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.