Hội thi Giáo viên giỏi cấp Thành phố là một hoạt động trọng tâm, thiết thực, được tổ chức thường xuyên và nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Hội thi nhằm phát hiện và vinh danh những điển hình tiên tiến, tạo động lực cho sự phát triển nền giáo dục của mỗi địa phương và toàn ngành; tạo cơ hội cho giáo viên phấn đấu, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, đẩy mạnh các phong trào thi đua, thúc đẩy rèn luyện, tự học, sáng tạo, trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy. Cô giáo Hồng Đăng là một trong hai thầy cô được lựa chọn từ cuộc thi cấp Quận, đại diện cho giáo viên Quận Long Biên tham dự cuộc thi cấp Thành phố môn Ngữ văn.
Vào chiều ngày 09/10/2023, cô giáo Lê Thị Hồng Đăng đã tham gia hội thi với tiết dạy bài thơ
Thiên Trường vãn vọng (Ngắm cảnh Thiên Trường trong buổi chiều tà). Mở đầu tiết dạy, cô giáo đã chiếu một đoạn phim về cảnh hoàng hôn bên cầu Long Biên nhằm thu hút sự chú ý, kết nối giữa vốn trải nghiệm thực tế và văn học của học sinh. Sau hoạt động này, mỗi học sinh tham dự tiết học đều khơi dậy những cảm xúc đối với cảnh thiên nhiên lúc hoàng hôn, tạo tiền đề để kết nối với bài dạy, kết nối mạch cảm xúc cùng tác giả.
Sau hoạt động khởi động, giáo viên bắt đầu cho học sinh đọc văn bản. Đây là bài thơ ngắn, chỉ gồm 4 dòng thơ, mỗi dòng 7 chữ nhưng được viết theo chữ Hán nên học sinh cần lưu ý theo dõi cả phần phiên âm, dịch nghĩa và bản dịch thơ của Ngô Tất Tố. Bên cạnh đó, giáo viên đọc mẫu cho học sinh, nhắc các em cần quan tâm tới những thẻ chỉ dẫn theo dõi, hình dung trong sách để đọc bài được tốt hơn.
Ở phần tiếp theo của tiết dạy, giáo viên và học sinh cùng tìm hiểu những thông tin chung về tác giả và tác phẩm qua thông tin trong sách, kết hợp cùng một đoạn phim tư liệu giới thiệu về phủ Thiên Trường và vua Trần Nhân Tông. Cũng trong phần này, giáo viên có thêm gợi dẫn cho học sinh về hoàn cảnh sáng tác bài thơ: dịp Trần Nhân Tông về thăm quê cũ ở Thiên Trường (thuộc tỉnh Nam Định ngày nay), sau khi đất nước đánh thắng giặc Nguyên Mông xâm lược. Đây cũng là một thông tin quan trọng, là chìa khóa giúp học sinh giải mã về tác phẩm sau này.
Đến với phần Khám phá văn bản, học sinh được tìm hiểu về đặc trưng thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật được thể hiện trong bài thơ. Với thao tác này, học sinh sẽ không chỉ vận dụng tri thức Ngữ văn đã học để hiểu hơn về bài thơ
Thiên Trường vãn vọng mà còn có thể củng cố và khắc sâu kiến thức về thơ Đường luật, giúp học sinh biết cách tìm ra các dấu hiệu riêng để nhận biết thơ Đường luật với các thể loại khác. Với phiếu học tập được thiết kế thông minh, bắt mắt cùng với các chỉ dẫn rõ ràng, các em học sinh đã có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ này từ ở nhà.
Đi vào tìm hiểu chi tiết tác phẩm hơn nữa, giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học phát huy được tính chủ động và tích cực của học sinh để giúp các em đi từ những đặc sắc về nghệ thuật tới nêu được những cảm nhận về tình và cảnh trong bài thơ. Cô giáo Hồng Đăng cũng tổ chức linh hoạt hoạt động nhóm đôi hoặc nhóm bốn cho học sinh phù hợp theo khối lượng nhiệm vụ khác nhau. Một lần nữa, những phiếu học tập được cô giáo chuẩn bị kĩ lưỡng, cẩn thận đã phát huy được vai trò, trở thành công cụ hữu ích trong quá trình khám phá của học sinh. Kết thúc hoạt động, kết hợp với phần bình giảng bằng giọng nói trầm bổng, ấm áp của giáo viên, học sinh như được ngược dòng thời gian quay về thế kỉ XIV, XV để hình dung trước mắt cảnh thôn xóm mờ ảo, mộc mạc, yên bình cùng cảnh cuộc sống thanh bình, sung túc, cũng như tâm trạng bồi hồi, xao xuyến và tâm hồn gắn bó máu thịt với cuộc sống thôn dã của nhà thơ – vị vua Trần Nhân Tông.
Học sinh sôi nổi thảo luận và tự tin trình bày kết quả làm việc của nhóm mình
Kết thúc phần Khám phá, cô giáo Hồng Đăng và các em học sinh cùng tổng kết lại văn bản trên ba phương diện là nội dung, nghệ thuật và cách đọc hiểu thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Những kiến thức ở phần này được chắt lọc lại cô đọng, dễ hiểu giúp các em học sinh có thể nhớ bài ngay trên lớp mà không mất quá nhiều thời gian để ôn tập thêm.
Phần cuối cùng của tiết học là phần Luyện tập và Vận dụng. Đến với phần này, cô giáo giao nhiệm vụ viết kết nối với đọc và hướng dẫn học sinh một số yêu cầu để các em có thể hoàn thành tại nhà.
Toàn cảnh không khí lớp học
Để có tiết dạy thực sự thành công, ngoài sự nhiệt huyết, say mê và sáng tạo của cô giáo Hồng Đăng còn là một không gian lớp học tái hiện được không khí của bài thơ thông qua bình hoa độc đáo, những bức mành, bức tranh trang trí ấn tượng, góc sản phẩm học sinh thu hút với đèn lồng, sáo trúc, … Những điều này có được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo từ Ban giám hiệu nhà trường cùng công sức và đóng góp trí tuệ của đội ngũ giáo viên trường THCS Chu Văn An.