Nâng cao năng lực chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ là công việc mà các thành viên trường THCS Chu Văn An – Long Biên nói chung và giáo viên tổ Xã hội nói riêng luôn xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Với mong muốn đem đến cho học sinh những trải nghiệm học Văn thú vị, thay đổi phương pháp trong việc dạy học chương trình Ngữ văn 2018, vào 14h00, ngày 19 tháng 01 năm 2022, cô giáo Nguyễn Thùy Linh cùng các em học sinh lớp 6A6 đã tiến hành chuyên đề bài dạy
Thánh Gióng với nội dung trọng tâm là khám phá hình tượng người anh hùng được tác giả dân gian thể hiện trong văn bản.
Mở đầu tiết dạy là phần trò chơi
Ai yêu văn học? do em Duy Bách điều khiển. Phần này gồm 5 câu hỏi trắc nghiệm với mục đích kết nối tri thức Ngữ văn về thể loại học sinh đã được học trong tiết học trước, đồng thời tái hiện trong tâm trí học sinh những hiểu biết, tưởng tượng về người anh hùng làng Gióng. Cách dẫn dắt tự nhiên, thú vị, gần gũi của MC chương trình, sự hấp dẫn của hệ thống câu hỏi trong trò chơi đã giúp học sinh có một phần khởi động vô cùng sôi nổi, tiếp cận với đặc trưng thể loại và hình tượng nhân vật.
Hoạt động khởi động: Ai yêu văn học?
Trong phần nội dung chính của tiết dạy, cô giáo đã khéo léo thiết kế nhiều hoạt động, đặt ra những câu hỏi gợi mở, kích thích tư duy để học sinh tìm hiểu về nhân vật Thánh Gióng từ lúc ra đời cho đến khi lớn lên, trưởng thành. Những chi tiết về Gióng với yếu tố, màu sắc lịch sử chống ngoại xâm oai hùng của dân tộc, kết hợp với những chi tiết kì ảo, được học sinh phát hiện, từ đó khái quát đặc trưng truyền thuyết về những người anh hùng và phát triển năng lực tiếp cận với hình tượng văn học trong những tác phẩm buổi đầu sơ khai. Hình thức hoạt động trên padlet được áp dụng thường xuyên, nên học sinh lớp 6A6 trình bày rất nhanh, đẹp mắt, câu trả lời của các em cũng thể hiện được những khám phá thú vị về nhân vật ngay ở những tiết học đầu tiên khám phá văn bản.
Học sinh lớp 6A6 trình bày ý kiến của mình thông qua ứng dụng Padlet
Trong buổi sinh hoạt nhóm chuyên môn ngay sau tiết dạy chuyên đề, tập thể giáo viên tổ Xã hội đã có những nhận xét, đóng góp cho cô giáo Thùy Linh. Những ý kiến chỉ rõ phần có thể điều chỉnh để tiết dạy tốt hơn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ chuyên môn đều thống nhất đây là một tiết dạy thành công, thể hiện được sự năng động, sáng tạo, ham học hỏi để hoàn thiện hơn từ phía cô giáo, cũng như đã phát huy được tính tích cực, chủ động, khả năng tự học, năng lực đọc, nghe – hiểu của học sinh. Hi vọng, cô Thùy Linh sẽ giữ mãi được lòng đam mê, nhiệt huyết với nghề để truyền lửa, tạo động lực và hứng thú học tập cho các thế hệ học trò trong những tiết học Văn sôi nổi, thú vị như thế.